Đó là chuyển đổi khoa ICU có nhiều giường hồi sức được bố trí trong một không gian chung (kiểu cũ) thành một khoa ICU có nhiều buồng đơn tách biệt hẳn với nhau, mỗi buồng chỉ có một giường hồi sức (kiểu mới).

Mô hình một khoa ICU mới bao gồm nhiều buồng đơn tách biệt nhau, mỗi buồng chỉ bố trí một giường hồi sức, mô hình này phù hợp với tình hình bùng phát dịch COVID-19

 

Một hình ảnh khá quen thuộc về cấu trúc của một khoa ICU tại các bệnh viện trong nước và một số nước trên thế giới đó là một không gian khá rộng lớn bố trí nhiều giường hồi sức, mỗi giường có nhiều trang thiết bị y tế xung quanh, giữa hai giường hồi sức là một khoảng không gian khá rộng (nếu so với các khoa khác trong cùng một bệnh viện), không gian này có thể có hoặc không có vách ngăn tương đối giữa 2 giường.

 

Tuy nhiên, hiện nay cấu trúc của một khoa ICU quen thuộc như trên đã bộc lộ một nhược điểm chung đó là người bệnh dễ bị lây nhiễm vi khuẩn bệnh viện kháng thuốc làm ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả và chi phí điều trị. Với lý do đó, khoa ICU đã được thiết kế lại với một hình ảnh hoàn toàn mới. Đó là một khoa ICU mới với nhiều buồng đơn riêng lẻ, mỗi buồng chỉ có một giường hồi sức. Đã có khá nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự chuyển đổi này mang lại hiệu quả làm giảm tỷ lệ nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc trong bệnh viện tại các khoa ICU, ngoài việc tạo không gian riêng tư của người bệnh. Mô hình thiết kế này lại càng phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát như thời điểm hiện nay.

 

Dưới đây là tóm lược một số công trình nghiên cứu đã đóng góp các chứng cứ khoa học ủng hộ cho cấu trúc mới của khoa ICU:

 

Halaby và cộng sự (2017) thực hiện một nghiên cứu hồi cứu bao gồm hai giai đoạn: giữa tháng 1/2002 và tháng 4/2009 (khoa ICU theo cấu trúc cũ, nhiều giường chung trong một buồng lớn) và giữa tháng 5/2009 và tháng 3/2013 (khoa ICU theo cấu trúc mới, mỗi giường trong một buồng đơn). Mỗi giai đoạn đều kiểm tra vi sinh định kỳ, được thực hiện trên tất cả các bệnh nhân nhập viện khoa ICU và sau đó hai lần một tuần. Vi khuẩn đa kháng thuốc được xác định theo hướng dẫn quốc gia, các chủng vi khuẩn được phát hiện trong quá trình nhập viện ICU được đưa vào phân tích. Để đảm bảo tính so sánh của hai giai đoạn, giai đoạn “trước” và “sau” được chọn sao cho gần giống nhau về các yếu tố sau: số lượng bệnh nhân nhập khoa, số giường, tỷ lệ sử dụng giường mỗi năm và tháng. Kết quả cho thấy tỷ lệ vi khuẩn đa kháng giảm rõ rệt và bền vững đã được quan sát thấy sau khi chuyển đến khoa ICU mới. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng thiết kế ICU phòng đơn góp phần đáng kể vào việc giảm sự lây truyền chéo của vi khuẩn đa kháng.

(Công trình nghiên cứu “Impact of single room design on the spread of multi-drug resistant bacteria in an intensive care unit” của nhóm tác giả Halaby T và cộng sự, đăng trên Tạp chí Antimicrobial Resistance & Infection Control, 2017 6:117).

 

Dana Y. Telsch và cộng sự (2011) nghiên cứu so sánh so sánh tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa ICU trước và sau khi thay đổi cấu trúc từ một khoa có nhiều giường hồi sức được bố trí chung trong một buồng lớn sang một khoa có nhiều buồng đơn riêng lẻ, mỗi buồng chỉ có một giường hồi sức. Kết quả tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện do Clostridium difficile, Enterococcus kháng vancomycin và Staphylococcus aureus kháng methicillin giảm 54% (khoảng tin cậy 95% [CI], 29% -70%) sau can thiệp (chuyển đổi cấu trúc khoa ICU). Tỷ lệ điều chỉnh thời gian lưu trú trung bình tại khoa ICU thấp hơn 10% (95% CI, 0% -19%) sau can thiệp.

(Công trình nghiên cứu “Infection Acquisition Following Intensive Care Unit Room Privatization” của nhóm  tác giả Halaby T và cộng sự, đăng trên Tạp chí Archives ofinternal medicine2011;171(1):32-38)

 

Hướng dẫn thiết kế khoa ICU (2012), cấu trúc khoa ICU bao gồm bốn khu vực chính: (1) Khu vực chăm sóc bệnh nhân (Patient Care Zone), gồm các buồng bệnh và các khu vực liền kề, chức năng chính là chăm sóc bệnh nhân trực tiếp; (2) Khu vực hỗ trợ lâm sàng (Clinical Support Zone), bao gồm các chức năng liên quan mật thiết đến việc chăm sóc bệnh nhân; không chỉ tại buồng bệnh mà còn ở các khu vực khác của khoa ICU; (3) Khu vực hỗ trợ đơn vị (Unit Support Zone), liên quan đến các chức năng quản lý hành chính, cung ứng vật tư…; (4) Khu vực hỗ trợ gia đình (Family Support Zone), các khu vực được thiết kế để hỗ trợ thân nhân bệnh nhân. Theo hướng dẫn này, khu vực chăm sóc bệnh nhân được khuyến cáo theo mô hình các buồng bệnh riêng biệt, mỗi buồng chỉ 1 giường.

(Chuyên đề “Guidelines forintensive care unitdesign” đăng trên Tạp chí Critical Care MedicineMay 2012 – Volume 40 – Issue 5 – p 1586-1600)

 

Hình ảnh của khoa ICU kiểu cũ, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao: bố trí nhiều giường hồi sức trong cùng một không gian rộng

 

Hình ảnh của khoa ICU kiểu mới, làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện: bố trí nhiều buồng đơn độc lập nhau, mỗi buồng chỉ có 1 giường hồi sức

SỞ Y TẾ TP.HCM
Written by Quản Trị